Trương Trí Lâm (vai Quách Tĩnh), Chu Ân (vai Hoàng Dung) và Lưu Đan
(vai Hồng Thất Công) Cảnh trong phim Anh hùng xạ điêu.
Dòng phim võ hiệp Kim Dung trường thọ
Ngay
từ lúc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đang thu hút độc giả trên mặt báo
thì các nhà làm phim của điện ảnh Hong Kong đã tranh nhau đưa lên màn
ảnh rộng. Tuy nhiên, phim Kim Dung chỉ thật sự tạo thành “hiện tượng”
khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Có thể nói, chính những tác phẩm của Kim
Dung đã góp phần hình thành nên “giai đoạn hoàng kim” của phim truyền
hình Hong Kong thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Đài truyền hình
Giai thị có công “khai pháo” cho dòng phim truyền hình Kim Dung khi
chuyển thể tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu vào năm 1975. Và từ đó đến nay,
12 trong số 14 bộ truyện dài của ông liên tục “leo lên” màn ảnh nhỏ với
nhiều bản dựng khác nhau: Thư kiếm ân cừu lục 7 lần, Anh hùng xạ điêu 9
lần, Ỷ thiên đồ long ký 7 lần, Thần điêu đại hiệp 8 lần (tính cả phiên
bản Vu Chính đang thực hiện), Thiên long bát bộ 5 lần; Tiếu ngạo giang
hồ 7 lần, Lộc đỉnh ký 6 lần; Tuyết sơn phi hồ 5 lần, Hiệp khách hành 4
lần, Liên thành quyết 2 lần, Phi hồ ngoại truyện 5 lần và Bích huyết
kiếm 5 lần. Riêng 2 tác phẩm Uyên ương đao và Bạch mã khiếu tây phong
chỉ xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Trước đây, phim võ hiệp ở Trung
Quốc bị xem là “rẻ tiền” nhưng từ năm 1999, sau khi Đài truyền hình
Trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim Tiếu ngạo giang hồ thì thị
trường rộng lớn này đã bùng lên trào lưu “nhà nhà làm phim võ hiệp”, đặc
biệt là dựng lại những tác phẩm của nhà văn Kim Dung. Người có công
hình thành dòng phim võ hiệp Trung Quốc chính là nhà sản xuất Trương Kỷ
Trung. Ông đã giới thiệu đến công chúng Đại Lục nhiều tác phẩm ấn tượng,
như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu
đại hiệp, Lộc đỉnh ký, Bích huyết kiếm…
Lữ Tụng Hiền (vai Lệnh Hồ Xung) và Lương Bội Linh (vai Nhậm Doanh Doanh)
trong phim Tiếu ngạo giang hồ.
Chưa
có một thống kê chính xác nhưng ước tính, đã có hơn 100 bộ phim điện
ảnh và truyền hình ra đời từ những trang viết của Kim Dung. Điều đáng
nói là hầu như bản thân Kim Dung chẳng hài lòng với bất cứ bộ phim nào,
kể cả bộ phim Tiếu ngạo giang hồ mà ông đặt rất nhiều kỳ vọng, khi lấy
tượng trưng một đồng Nhân dân tệ tiền tác quyền của Đài truyền hình
Trung ương Trung Quốc. Ông giải thích, sở dĩ cứ phải giao những đứa con
tinh thần cho giới làm phim vì... ông không thể từ chối: “Có trách thì
trách mình sinh con mà không có thời gian quan tâm chăm sóc, phải gửi
chúng ở nhà trẻ. Nhà trẻ nào nuôi nấng không đàng hoàng, tôi chỉ có
quyền lên tiếng góp ý và chuyển con mình sang nhà trẻ khác. Những tác
phẩm của tôi cũng vậy, lần chuyển thể này không như ý tôi thì hy vọng
vào lần chuyển thể sau. Vả lại, tôi từng có thời gian làm điện ảnh nên
hiểu và thông cảm với những nhà làm phim”.
Tuy lên tiếng than thở
mãi về số phận long đong của những đứa con tinh thần của mình, song
trước những lời đề nghị quá chân thành của giới làm phim, Kim Dung đành
phải tiếp tục “gửi con vào nhà trẻ”. Ông bảo: “Ai làm tốt thì tôi lấy ít
tiền tác quyền, còn ai làm ẩu thì tôi không bớt cho một xu”.
Cặp Dương Quá (Cổ Thiên Lạc đóng) - Tiểu Long Nữ (Lý Nhược Đồng đóng)
trong phim Thần điêu đại hiệp.
“Đại hiệp Kim Dung”
Đọc
truyện Kim Dung hay xem phim Kim Dung, người ta nghĩ rằng ông phải là
một “võ lâm cao thủ”, “võ nghệ đầy mình”. Bởi ngoài anh chàng thái giám
dỏm Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký), tất cả những nhân vật nam chính trong tác
phẩm của ông đều là “đại hiệp”, “hiệp khách” như Dương Quá (Thần điêu
đại hiệp), Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), Viên Thừa Chí (Bích huyết
kiếm), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách
hành), Địch Vân Đại (Liên thành quyết), Kiều Phong (Thiên long bát bộ),
Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Trần Gia Lạc (Thư kiếm ân cừu lục)…
Trong
một cuộc gặp gỡ với sinh viên Trung Quốc, khi được đặt câu hỏi: “Nhiều
người đọc truyện của ông đều nghĩ rằng ông rất giỏi võ, có đúng thế
không?”, Kim Dung hóm hỉnh trả lời: “Tôi chỉ biết một chút võ công thôi
nhưng chủ yếu là lý luận chứ không thể… đánh người. Cũng giống như bóng
đá vậy, tôi không biết đá cũng chẳng biết huấn luyện, song khi xem một
trận đấu tôi có thể biết nó hay hay dở. Tất cả những chiêu thức võ công
trong các tác phẩm của tôi đều do tôi… tưởng tượng ra”.
Cảnh trong phim Thiên long bát bộ 2013.
Ngoài
võ công, còn một vấn đề mà nhiều độc giả, khán giả luôn thắc mắc là tại
sao các nhân vật nữ của Kim Dung đều xinh đẹp? Thật thà thú nhận
mình... rất thích phụ nữ đẹp nên khi cầm bút xây dựng các nhân vật, ông
đều miêu tả họ đẹp như mơ. Chính vì vậy, Kim Dung đặc biệt “yêu” các
nhân vật nữ của mình. Đa tình nhưng chung thủy, đó là tính cách mà Kim
Dung tự nhận xét về mình, vì thế mà ông cho rằng mình giống với nhân vật
Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký) nhất.
Năm nay, Kim Dung đã gần
90 nhưng ông vẫn thường được mời đi diễn thuyết, trò chuyện, trao đổi
về những tác phẩm của mình. Dưới mắt độc giả say mê truyện võ hiệp và
khán giả yêu thích phim võ hiệp, Kim Dung là người đã tạo nên những
huyền thoại võ lâm và là “đại hiệp” của những “đại hiệp” mà ông tạo ra.