Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ nhân tâm kế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ nhân tâm kế. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Vu Chính và Châu Tinh Trì Cả hai đều từng bị cho là "tội đồ phá hoại" các tác phẩm nguyên tác và bị ném đá không thương tiếc.


Thành công từ phim Mỹ nhân đến phim Kiếm hiệp

Hiện cái tên Vu Chính đang nổi đình nổi đám trong giới điện ảnh Hoa ngữ không chỉ bởi anh là một nam diễn viên điển trai, đóng kịch giỏi, mà còn ở tài biên kịch, với hàng chục bộ phim truyền hình từng làm khuynh đảo các bảng xếp hạng phim của Trung Quốc thập niên những năm 2000 trở lại đây, đặc biệt là phim truyền hình cổ trang.

Đặc biệt, loạt phim về người đẹp được coi là sở trường của Vu Chính, đưa tên tuổi của anh cùng hàng loạt những diễn viên trẻ khác thành sao, như Mỹ nhân tâm kế, Cung tỏa trầm hương (2013), Mỹ nhân vô lệ/In Love with Power (2013)...



Vu Chính đang bị "chụp mũ" là phá hoại, không tôn trọng nguyên tác... khi chuyển thể.

Những bộ phim trên về mỹ nhân của Vu Chính được  yêu thích không chỉ ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông mà nhiều nước trong khu vực như Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Việt Nam...

Điểm chung của những bộ phim trên khiến Vu Chính gặt hái nhiều thành công, đó chính là yếu tố Đẹp, đúng như thể loại phim mà biên kịch gia hướng đến.

Thứ hai đó là đối tượng người xem mà Vu Chính nhắm đến là giới trẻ. Chính vì vậy, phim về người đẹp của Vu Chính mang lại cho người xem cảm giác mãn nhãn, từ hình ảnh, diễn viên, trang phục, góc máy, nội dung cốt truyện đều  tỏa ra một chữ Đẹp.

Thứ ba, đó là việc Vu Chính không ngần ngại mời dàn diễn viên từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và cả Đài Loan. Đây đều là những ngôi sao thu hút lượng người xem khổng lồ ở cả 3 thị trường phim khổng lồ của điện ảnh Hoa ngữ nói riêng và thị trường phim châu Á yêu điện ảnh Trung Quốc nói riêng.

Dàn diễn viên trẻ đẹp luôn là yếu tố được Vu Chính chú ý để hút khán giả, kể cả đó là những mỹ nhân chưa có thành tích nổi bật.

Trong Mỹ nhân tâm kế (2009), ngoài Lâm Tâm Như khi đó đã trở thành ngôi sao sáng giá của điện ảnh Hoa ngữ, "Tứ đại Hoa đán TVB" Hồ Hạnh Nhi được biết đến với ngôi vị Hoa hậu Hồng Kông, những cô gái trẻ như Tôn Phi Phi, Dương Mịch, Thích Vy, Vương Lệ Khôn, Cống Mễ... khi đó vẫn chỉ là những nữ diễn viên gần như hoàn toàn mới mẻ và không mấy tên tuổi.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 2
Dàn diễn viên trẻ, đẹp, trang phục đẹp
là một trong những yếu tố giúp phim đề tài "mỹ nhân" của Vu Chính thành công.

Ngoài ra, nhiều nam diễn viên trẻ cũng phất lên nhờ phim Vu Chính như Hà Thạnh Minh từng được biết đến qua vai Châu Á Phu trong Mỹ nhân tâm kế, Thầm Lưu Niên phim Đại a hoàn (2009), Cung Thiếu Hoa trong Quốc sắc thiên hương (2010), Tứ a ca phim Cung tỏa tâm ngọc, Bùi Thiếu Khanh phim Mỹ nhân thiên hạ,...

Hay  hàng loạt những tên tuổi quen thuộc khác trong các phim của Vu Chính như Lưu Khải Uy, Trương Mông, Hồ Hạnh Nhi, Viên San San, Trần Kiều Ân, Dương Dung, Tôn Phi Phi, Bạch Băng, Triệu Lệ Dĩnh...

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 3
Trần Hiểu - "gà cưng" của Vu Chính trở thành gương mặt quen thuộc
 trong các bộ phim của anh gần đây.

Cải biên bị "ném đá" vì quá đà

Diễn viên đẹp, phục trang đẹp, cảnh quay đẹp... bấy nhiêu thôi có lẽ chưa đủ ở một thị trường phim cổ trang sôi động và cạnh tranh khốc liệt bậc nhất thế giới như ở Trung Quốc. Nội dung phim của Vu Chính cũng hướng đến vấn đề giới trẻ quan tâm, đó chính là tình yêu, tuổi trẻ, xuyên không (người ở tương lại trở về quá khứ). Những chủ đề trên được Vu Chính khai thác một cách triệt để, đặc biệt qua loạt phim Mỹ nhân tâm kế, Cung tỏa tâm ngọc...

Mới đây, Vu Chính thử sức với thể loại phim võ hiệp, đặc biệt là những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Ngay từ bộ phim đầu tiên Tân tiếu ngạo giang hồ (2012), Vu Chính đã gặp không ít chỉ trích gay gắt của người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung nói chung, những người yêu mến Tiếu ngạo giang hồ nói riêng...

Lý do không phải Vu Chính đùng  một cái chuyển từ thể loại phim người đẹp sang phim võ hiệp, mà chính ở việc kịch bản phim bị biên kịch gia này cải biên... quá tay.

Vu Chính mạnh tay sửa đổi nội dung so với nguyên tác, từ thay đổi giới tính nhân vật cho đến tuyến nhân vật, cụ thể là Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) vốn là tuyến nhân vật phụ đã được nâng lên thành nhân vật chính.

Thậm chí quan hệ giữa Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa) với thánh cô Nhậm Doanh Doanh (Viên San San) đã được chuyển đổi thành quan hệ giữa Lệnh Hồ Xung với Đông phương bất bại. Một chiêu mà khán giả gọi là "cưng phụ bỏ chính" của Vu Chính, hay chiêu lấy nữ phụ "đàn áp" nữ chính.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 4
Tân Tiếu ngạo giang hồ bị "dội bom" vì độ cải biên được cho là quá tay của Vu Chính.
Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 5
Quan hệ tình cảm giữa Đông Phương Bất Bại và Lệnh Hồ Xung,
nét mới gây tranh cãi trong Tân Tiếu ngạo giang hồ.

Hơn nữa, phần phục trang trong Tân tiếu ngạo giang hồ cũng gặp không ít đàm tiếu khi bị cho rằng quá lòe loẹt,  nhiều màu sắc khiến các nhân vật không khác những con vẹt trên phim.

Thế nhưng, có lẽ Vu Chính đã biết cách lợi dụng scandal, lợi dụng búa rìu dư luận để khiến phim của mình hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên các mặt báo, diễn đàn mạng... dù theo hướng "bị chửi".

Kết quả là ai cũng muốn xem bằng được, để biết vì sao Tân tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính lại bị "dìm hàng" và "ném đá" dữ dội đến mức vậy.

Và cuối cùng, thành công ngoài mong đợi khi những Hoắc Kiến Hoa, Trần Kiều Ân, Trần Hiểu... đã giúp thu hút người hâm mộ đến với Tân tiếu ngạo giang hồ. Không ít lời ngợi khen dành cho nhân vật Đông Phương Bất Bại vừa xinh đẹp, vừa đáng yêu của Trần Kiều Ân.

Lời ong tiếng ve, khen chê đủ cả

Thậm chí, đạo diễn Trương Kỷ Trung, người từng lão luyện với các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung như Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp... cũng từng bĩu môi dè bỉu sự cải biên quá tay của Vu Chính. Trương Kỷ Trung đốp chát khi cho rằng, Vu Chính không tôn trọng nguyên tác tiểu thuyết Kim Dung, phim của Vu Chính là "thứ vớ vẩn, không đáng xem", đồng thời cực lực phản đổi cách làm phim được cho là "cẩu thả", "mặt dày" của Vu Chính.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 6
Trương Kỷ Trung cũng không ngồi im trước kịch bản cải biên của Vu Chính.

Mới đây nhất, Vu Chính tiếp tục khiến người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung sốt xình xịch với dự án phim Thần điêu đại hiệp. Ngay từ khi công bố dàn diễn viên cùng tạo hình nhân vật, vai nữ chính Tiểu Long Nữ của Trần Nghiên Hy đã bị cư dân mạng "chê đứng chê ngồi bởi quá... béo, giống với nhân vật hoạt hình như Na Tra hay Thủy thủ Mặt Trăng. Kịch bản phim còn được Vu Chính úp mở trên blog cá nhân khi tuyên bố gốc gác, lai lịch của những Lý Mạc Sầu (Trương Hinh Dư đóng), Tiểu Long Nữ là cáo chín đuôi sống ở cổ mộ...

Để tăng tính thuyết phục, Vu Chính còn chia sẻ những bức ảnh "Đệ nhất nữ thần gợi cảm" Trương Hinh Dư trong tạo hình cáo chín đuôi, vừa huyền ảo, ma mỵ nhưng cũng hết sức xinh đẹp, gợi cảm.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 7
Tạo hình gây tranh cãi Tiểu Long Nữ của Trần Nghiên Hy (trái)
và Lý Mạc Sầu của Trương Hinh Dư trong Thần điêu đại hiệp.

Bên cạnh những ý kiến phản đối cách cải biên của Vu Chính, không ít những lời ngợi khen dành cho kịch bản phim Tân tiếu ngạo giang hồ của anh. Trong đó đa số là ý  kiến của các bạn trẻ. Họ nhận xét phim của Vu Chính thu hút người xem, kịch bản rất sáng tạo, ấn tượng, hay hơn hẳn so với các phiên bản cũ.

Ngay đến những lời nhận xét của bậc tiền bối như Trương Kỷ Trung, cư dân mạng đã lên tiếng đả kích đạo diễn Trương vì "ghen ăn tức ở". Họ cho rằng, bản thân Trương Kỷ Trung có quyền cải biên truyện của Kim Dung, như vậy Vu Chính cũng có quyền cải biên theo chủ ý. Nếu Kim Dung không cho phép, chắc chắn Vu Chính không thể tự ý cải biên đến mức bị coi là "tầm bậy tầm bạ", "vớ vẩn"...

Chuyên gia nói gì?

Theo nhận xét của nhà phê bình điện ảnh Lý Tinh Văn thì xu hướng làm phim truyền hình ngày nay đang hình thành cách làm “mỳ ăn liền” khá phổ biến. Còn đối với thể loại phim được chuyển thể từ các tác phẩm kinh điển lại chia thành hai loại: Một là làm tăng thêm cái đẹp từ nội dung nguyên tác và hai là phá hủy nội dung gốc.

“Các tiểu thuyết của Kim Dung vốn đã là một câu chuyện hoàn mỹ và hấp dẫn, đồng thời bao hàm ý nghĩa văn hóa trong đó. Tuy nhiên, bộ phim Tân Tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính lại đang cố tình hủy hoại nguyên tác", ông Lý chia sẻ.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 8
Vu Chính luôn bảo vệ kịch bản và tự hào về những gì đã thực hiện
qua những bộ phim từ trước đến nay.

Nhà phê bình điện ảnh Lý Tinh Văn đã không ngần ngại khi chỉ ra rằng, Tân Tiếu ngạo giang hồ đang góp phần phá hoại nguyên tác của Kim Dung.

Lý Tinh Văn còn cho biết thêm, những thay đổi và chỉnh sửa không mang giá trị sáng tạo mà chỉ thỏa mãn sở thích cá nhân, vì vậy theo nhà phê bình điện ảnh này thì những loại hình phim như thế là một sản phẩm thương mại của các doanh nghiệp làm phim có tính toán.

Về phía những người ủng hộ cách cải biên và sáng tạo kịch bản dựa trên nguyên tác, hiệu trưởng Vương Đa Thánh từ Viện Văn học Liêu Ninh cho biết, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Anh hùng xạ điêu... của nhà văn Kim Dung đều được coi là những tác phẩm văn học, chứ không phải những ghi chép lịch sử. Việc một biên kịch có thể dựa vào tác phẩm văn học để tạo ra một tác phẩm điện ảnh theo ý riêng của họ, đó là một trong những quyền sáng tạo cơ bản nhất. Như vậy, cải biên là một quá trình sáng tạo, làm rõ lại vấn đề, cho dù có trung thành với nguyên tác bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể tránh khỏi việc thêm thắt những tình huống từ thực tế đời sống vào kịch bản.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 9
Kịch bản và tạo hình nhân vật trong Thần điêu đại hiệp của Vu Chính
đang gặp phải không ít chỉ trích gay gắt từ dư luận.

Còn theo biên kịch gia Từ Quảng Thuận, phim truyền hình là một loại hình nghệ thuật đại chúng, biên kịch có thể viết chính kịch, cũng có thể viết thành hài kịch. Những tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung càng không phải là chính sử, vì vậy, Vu Chính có thể thêm bớt những tình tiết tạo nên kịch tính theo ý thích cũng như thỏa thuận của biên kịch này với nhà văn  Kim Dung (trong trường hợp ông còn sống, hoặc với con cháu của nhà văn nếu ông chẳng may qua đời). Biên kịch Từ tâm sự: "Những biên kịch và đạo diễn chúng tôi không thể chiều lòng tất cả đại đa số công chúng, mà phải dẫn đường cho khán giả”.

Với Châu Tinh Trì, Vu Chính chỉ là... muỗi

Khoan nói đến việc cải biên trong phim của Châu Tinh Trì, chỉ điểm qua một vài đạo diễn cũng có thể thấy mức độ cải biên của họ cũng từng bị khán giả "dội bom" kịch liệt như thế nào. Đơn cử trường hợp đạo diễn Trương Kỷ Trung, người từng hứng "rổ đá" với bộ phim truyền hình Tân Tây Du Ký (2011), trong đó một phần kịch bản bị chỉ trích gay gắt vì hàng loạt tình tiết đồng tính lệch lạc, như cảnh Tôn Ngộ Không thật (Ngô Việt) và Tôn Ngộ Không giả (tập phim Thật - giả Mỹ Hầu Vương) "khóa môi" nhau thắm thiết như đôi tình nhân thế kỷ 21.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 10

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 11
Quan hệ tình cảm như vợ chồng giữa Ngộ Không và Đường Tăng
trong Tân Tây Du Ký của Trương Kỷ Trung.

Biên kịch Đại Dung thậm chí còn biến mối quan hệ thầy-trò thiêng liêng giữa Đường Tăng (Nhiếp Viễn) và Tôn Ngộ Không thành quan hệ... phu - thê một cách lệch lạc. Đáng nói là hai nhân vật này đều mang giới tính nam, song Đường Tăng là vợ, Ngộ Không là chồng thì đúng là đồng tính mười mươi. Tân Tây Du Ký xuất hiện những tình tiết được cho là vô lý, lời thoại thô tục sặc  mùi "văn hóa mạng", tạo hình nhân vật "ăn theo" phong cách Hollywood, kỹ xảo kém và nhiều nội dung phản cảm theo hướng "sex" và gây "sốc"... nhằm đạt mục đích thương mại.

Nhắc đến một nhân vật "lớn" hơn cả trong giới cải biên kịch, đó chính là trường hợp đạo diễn Châu Tinh Trì. Cũng với tác phẩm Đại thoại Tây Du - phiên bản mới của Tây Du Ký, Châu Tinh Trì đã giáng một "quả bom" vào những người bảo thủ, nhưng lại mở ra một cánh cửa mới cho thể loại phim hài nhảm mang đặc trưng Châu Tinh Trì. Có thể đơn cử về hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không được Châu Tinh Trì biến thành một hình tượng đa diện và phức tạp.

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 12
Chuyện tình cảm giữa Trí Tôn Bảo với Tử Hà tiên nữ trong Đại thoại tây du.

Tính cách nhân vật Tôn Ngộ Không trong Đại thoại Tây Du vừa tham lam và háo sắc, cư xử ngông cuồng không còn biết phép tắc. Hắn đã có hai hồng nhan tri kỷ lại còn muốn “qua lại” với Thiến Phiến công chúa (Bà La Sát) là vợ của Ngưu Ma Vương. Hắn sống không điều độ, chừng mực, có thể nói là yêu tính khó cải, khác xa với yêu cầu về hình tượng một nhân vật anh hùng bạo loạn, làm phản theo tư duy truyền thống.

Châu Tinh Trì còn cải biên hình tượng nhân vật Trư Bát Giới theo cách của chính ông. Không còn là một lão Trư tham lam, háo sắc, lười biếng như truyền thống mà là một con người đầy tình yêu thương. Đó là chuyện tình chung thủy của Bạch Cốt Tinh hay Bạch Tinh Tinh (Mạc Văn Úy đóng) suốt 500 năm dành cho Trí Tôn Bảo/Tôn Ngộ Không (Châu Tinh Trì đóng).

Bộ phim trên của Châu Tinh Trì mới đầu bị đả kích dữ dội, thế nhưng cuối cùng, Đại thoại Tây Du vẫn được yêu thích và tạo cơn sốt bởi đã mang lại tiếng cười đầy tình người, đầy tính nhân văn sâu sắc...

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 13
Ngộ Không và Đoạn tiểu thư cùng nhảy điệu hip hop trong Mối tình ngoại truyện.
Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 14
Nụ hôn "bất ngờ" giữa Đường Huyền Trang (trái) và Đoạn tiểu thư.

Tương tự với bộ phim bom tấn Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện/Journey To The West: Conquering The Demons (2013) của Châu Tinh Trì gần đây nhất. Làn sóng phản đối, phê phán vẫn luôn rầm rộ như bất kỳ bộ phim cải biên nào trước và sau khi ra mắt công chúng. Những người phản đối cách làm phim Châu Tinh Trì cho rằng, kịch bản của ông đã phá vỡ hoàn toàn một tác phẩm lớn của Trung Quốc. Không thể có chuyện Đường Tăng Huyền Trang (Văn Chương đóng) vốn chỉ là một pháp sư trừ ma diệt quái, chân yếu tay mềm, đem lòng thầm thương trộm nhớ một nữ pháp sư Đoạn tiểu thư (Thư Kỳ). Hay hoạt cảnh Ngộ Không (Hoàng Bột), và Đoạn tiểu thư cùng nhảy điệu hip hop...

Đó là một phần nội dung kịch bản đã được biến tấu so với nguyên tác. Về tạo hình, Châu Tinh Trì tiếp tục đột phá với cách biến các nhân vật vốn trở thành huyền thoại như Ngộ Không, Đường Tăng, Sa Tăng hay Trư Bát Giới, trở thành những nhân vật quần áo rách rưới không khác những "bang chủ cái bang". Lời thoại quá hiện đại và ảnh hưởng từ ngôn ngữ mạng.

Tuy vậy, những người yêu mến phim Châu Tinh Trì và cả những người tìm đến một dạng phim thuần tính giải trí, vẫn dành tình yêu mến cho bộ phim. Kết quả là phim thành công vang dội khi mang về 1,273 tỷ NDT (197 triệu USD), trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất điện ảnh Hoa ngữ. Ngay đạo diễn đoạt giải Oscar Lý An cho rằng sức hấp dẫn của Tây du ký: Mối tình ngoại truyện chính nhờ vào những sáng tạo "không đụng hàng" của Châu Tinh Trì, song đó là "sự sáng tạo của trẻ con, thích gì làm nấy, muốn gì nói nấy".

Vu Chính tội đồ, Châu Tinh Trì tội phạm? - 15
Châu Tinh Trì dẫn đầu về sức sáng tạo về cải biên nguyên tác trong điện ảnh.

Dù khen hay chê, nhưng cũng phải công nhận vào tài năng của những biên kịch và đạo diễn như Vu Chính, Châu Tinh Trì hay Trương Kỷ Trung. Chính những sáng tạo của họ đã góp phần tạo nên bộ mặt phong phú và đa dạng cho điện ảnh Hoa ngữ nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung. Sáng tạo trong điện ảnh là không giới hạn, đặc  biệt việc cải biên từ một tác phẩm văn học càng cho phép các nhà làm phim chứng tỏ tài biến hóa trong cách tạo nhân vật, tạo tình tiết, nội dung cũng như bố cục phim, sao cho thật kịch tính nhưng vẫn đảm bảo thu hút người xem - yếu tố đầu tiên của một bộ phim trong thời đại ngày nay. Bởi phim làm ra là để phục vụ nhu cầu khán giả.
Design by Hao Tran -